Trường Mầm non Diễn Liên - Diễn Châu - Nghệ An

https://mamnondienlien.dienchau.edu.vn


Trường mầm non Diễn Liên đạt mô hình bếp chuẩn

Trường mầm non Diễn Liên được xây dựng tại Xóm 3, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trường nằm giữa trung tâm của xã, thuận lợi cho phụ huynh đưa đón trẻ. Dân cư ở đây tập trung khá đông đúc, trình độ dân trí cao, đời sống kinh tế của nhân dân tương đối ổn định. Phụ huynh quan tâm đến việc cho con đến trường và có ý thức, tự nguyện trong công tác xã hội hóa giáo dục.
Được thành lập năm 1996, trải qua 27 năm xây dựng và phát triển trường gặp không ít khó khăn, song với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng sự quan tâm giúp đỡ của ban ngành các cấp và toàn thể phụ huynh, nhân dân xã Diễn Liên, đến nay nhà trường đã khang trang, sạch, đẹp, hiện đại với tổng diện tích là 8.800m2. Trường có khuôn viên và tường xây bao quanh, có biển tên trường theo quy định của Điều lệ Trường mầm non, có đủ nguồn nước sạch phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho trẻ, có hệ thống thoát nước hợp vệ sinh. Trường được xây dựng gồm 17 phòng học, đủ các phòng khối chức năng, có hệ thống bếp ăn đảm bảo vận hành theo quy trình 01 chiều cùng với hệ thống trang thiết bị đồng bộ đảm bảo các điều kiện cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Khuôn viên trường thoáng mát, sạch, đẹp, có vườn hoa, cây cảnh, cây xanh bóng mát đảm bảo môi trường cho trẻ hoạt động. Sân chơi được bố trí sắp xếp khoa học theo từng khu vực. Trường đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 04/8/2022. 
 
 
Năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Diễn Liên có quy mô 17 nhóm, lớp gồm 02 nhóm trẻ với 62 cháu và 15 lớp mẫu giáo với 496 cháu. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 47 người, trong đó: Ban giám hiệu 03, giáo viên 30, nhân viên hành chính 02, nhân viên nấu ăn 11, nhân  viên bảo vệ 01.
Với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục nên hàng năm trẻ đến trường đạt tỷ lệ khá cao, nhà trẻ đạt 15%, mẫu giáo đạt 98%, tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%, với mức ăn phù hợp với vùng nông thôn là 19.000đ/ngày/trẻ. Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng luôn được nhà trường chăm lo, vì vậy hàng năm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì giảm rõ rệt.
 
 
Trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mầm non, dinh dưỡng giữ vai trò quan trọng giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh, phát triển hài hòa, cân đối. Chính vì vậy chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong công tác tổ chức bán trú luôn được nhà trường quan tâm hàng đầu.
          Với lợi thế diện tích khuôn viên rộng, ngoài các khu vực đã xây dựng các khối phòng và thiết kế sân chơi cho trẻ hoạt động, để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, nhà trường đã dành một phần diện tích làm vườn rau sạch phục vụ bữa ăn cho trẻ tại trường. Hàng năm, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng, phối hợp với phụ huynh từng nhóm lớp trồng và chăm sóc vườn rau dinh dưỡng để cải thiện bữa ăn cho trẻ. Mùa nào rau ấy, dưới bàn tay chăm chút của phụ huynh từng nhóm lớp và đội ngũ nhân viên nấu ăn, vườn rau của trường luôn xanh tốt, đảm bảo đủ rau sạch cho trẻ ăn tại trường.
 
 
          * Với đội ngũ nhân viên Trường mầm non là những người thay bố mẹ chăm sóc các cháu ở trường nên chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng của đội ngũ nhân viên nấu ăn. Với tổng số 558 trẻ ăn bán trú, nhà trường đã ký kết hợp đồng với 11 nhân viên nấu ăn đều có trình độ nấu ăn từ trung cấp trở lên. Tất cả nhân viên nấu ăn đều được khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đảm bảo sức khỏe để làm việc. Có giấy chứng nhận kiến thức về VSATTP. Đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng hàng năm được nhà trường tập huấn kiến thức về ATTP, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Để nhân viên nấu ăn yên tâm công tác, nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh trả mức lương cho nhân viên là 3.800.000đ/người/tháng.
 
 
 
Về cơ sở vật chất: Trường có bếp ăn được xây dựng khang trang, rộng rãi với diện tích 350m2. Có phòng nhân viên là nơi để trang phục, đồ dùng cá nhân của nhân viên nhà bếp, trang bị đủ phương tiện rửa tay, khử trùng rất ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Có 02 kho: 01 kho thực phẩm và 01 kho lương thực, mỗi kho có diện tích 15m2. Kho lương thực có đủ dụng cụ chứa đựng các loại lương thực có nắp đậy kín, kho thực phẩm có giá để gia vị được làm bằng lưới inox đảm bảo chống côn trùng. Các khu vực trong bếp như: Khu sơ chế, khu chế biến, kho, khu chia ăn...đều có biển tên đầy đủ.
Trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ phục vụ bán trú có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn trong trường mầm non. Nhà trường đã đầu tư, mua sắm đầy đủ đồ dùng phục vụ bán trú mang tính hiện đại như: Tủ cơm ga, nồi hầm cháo, tủ sấy bát, máy xay thịt...Tất cả xoong, nồi, bát, thìa, khay cơm cho trẻ đều bằng Inoox.
Bếp ăn được trang bị đầy đủ các loại bảng biểu theo quy định: Nội quy bếp ăn, lịch vệ sinh bếp ăn, bảng phân công nhiệm vụ nhân viên nhà bếp, bảng thực đơn, bảng định lượng thức ăn, 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, các khẩu hiệu 3 sạch, 3 ngon, bếp ăn 5 tốt,  quy định về sử dụng ga an toàn, nội quy sử dụng điện, bảng hướng dẫn sử dụng tủ cơm điện, hướng dẫn sử dụng tủ sấy bát, nồi hầm cháo, tháp dinh dưỡng, bảng công khai tài chính...Trong khu vực bếp đồ dùng được sắp xếp khoa học, gọn gàng, ngăn nắp. Có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ đảm bảo theo quy định hiện hành.
Bếp ăn được vận hành theo quy trình một chiều, đảm bảo từ: Khâu tiếp nhận thực phẩm => Sơ chế - rửa => Chế biến (Tẩm ướp) => Nấu nướng => Chia ăn => Vận chuyển lên các nhóm, lớp.
- Khu tiếp nhận thực phẩm và sơ chế có diện tích khoảng 100m2, được bố trí đủ bàn Inoc, cân, chậu rửa, dụng cụ đựng thực phẩm. Mỗi loại thực phẩm đều có dụng cụ chứa đựng riêng, có bồn rửa riêng cho từng loại thực phẩm. Thực phẩm sau khi được sơ chế làm sạch được chuyển đến khu vực chế biến: Thái, xay, tẩm ướp. Thực phẩm khi chế biến xong được chuyển ngay sang khu vực nấu chín.
- Khu nấu ăn: Được bố trí 02 cụm bếp ga (01 bếp hầm đôi và 01 bếp hầm ba); 01 nồi hầm cháo bằng điện, 01 tủ cơm điện, 01 tủ cơm ga để đảm bảo việc nấu ăn của nhà bếp. Ở đây có đủ các loại nồi, xoong, chảo phục vụ việc chế biến món ăn, các dụng cụ để, đảo, gắp, múc thức ăn đầy đủ phù hợp với cách chế biến các món ăn khác nhau, có tủ kính có lưới chống côn trùng để bảo quản dụng cụ nấu sau khi dùng xong.
- Khu chia ăn: Được trang bị 02 máy sấy bát thìa, có bàn chia, tủ đựng bát thìa, xoong, nồi, khay thức ăn hoàn toàn bằng Inoc, có kí hiệu riêng cho từng loại dụng cụ đựng thức ăn và từng nhóm lớp, có đủ dụng cụ chia gắp thức ăn dùng cho thực phẩm chín. Có bảng biểu công khai định lượng thức ăn cho từng nhóm lớp trong ngày để nhân viên chia ăn và cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường theo dõi chất lượng bữa ăn.
Trong khu chia thức ăn có tủ lạnh để lưu mẫu thức ăn theo quy định, tem lưu mẫu thực phẩm được sử dụng đúng mẫu tem của Bộ Y tế quy định. Việc lưu giữ mẫu thức ăn đã chế biến đảm bảo đúng quy trình (Thời gian tối thiểu 24 giờ) và cập nhật vào sổ lưu mẫu thức ăn hàng ngày. Dụng cụ chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín được để riêng biệt.
 
 
Trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ, nhân viên nấu ăn đầu tóc luôn gọn gàng, móng tay luôn cắt ngắn và sạch sẽ, không đeo nhẫn, đồng hồ, mặc trang phục bảo hộ lao động đầy đủ như: Mũ chụp tóc, tạp dề, khẩu trang.
 
 
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào là rất quan trọng. Các đơn vị cung ứng thực phẩm do trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn đều là các cơ sở có uy tín, có đủ giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP. Khi ký hợp đồng thống nhất với các nhà cung cấp thực phẩm, nhà trường chỉ tiếp nhận các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon, giao hàng đúng thời gian quy định.
 
 
Việc xây dựng thực đơn để bữa ăn của trẻ được cân đối về chất và đủ về lượng là một nội dung được nhà trường thực hiện nghiêm túc. Nhà trường đã căn cứ nhu cầu khuyến nghị năng lượng tại cơ sở giáo dục mầm non/ngày/trẻ tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình Giáo dục mầm non để xây dựng chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu năng lượng, cân đối các chất với mức tiền ăn thực tế tại trường là 19.000đ/trẻ/ngày. Thực đơn được xây dựng hàng ngày, theo tuần, theo tháng, theo mùa. Các món ăn và thực phẩm trong tuần không lặp lại, thực đơn của tuần 01 và 03 giống nhau, tuần 02 và 04 giống nhau. Sử dụng phần mềm Viettex để tính khẩu phần ăn cho trẻ. Thực đơn tuần và tiền ăn hàng ngày được công khai tại bảng tin trước cổng trường để phụ huynh theo dõi, qua bảng công khai phụ huynh biết được hôm nay các con ăn món gì, chi phí cụ thể ra sao. Hồ sơ quản lý bán trú được xây dựng và lưu giữ đầy đủ, khoa học.
 
 
 
Quy trình tổ chức bán trú được thực hiện theo nguyên tắc 01 chiều:
- Đầu tiên là khâu tiếp nhận thực phẩm: Việc giao, nhận thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, tổ trưởng nuôi dưỡng trực tiếp nhận thực phẩm và kiểm tra chất lượng thực phẩm, thịt phải đảm bảo mới mổ, tươi ngon, có độ dẻo. Rau, củ, quả phải tươi ngon, không dập nát. Gia vị phải đầy đủ nhãn mác còn hạn sử dụng. Gạo phải trắng, thơm, không nấm mốc. Sau khi kiểm tra chất lượng thực phẩm tổ trưởng nuôi dưỡng sẽ cân và ghi số lượng vào sổ giao nhận thực phẩm và hai bên cùng ký vào biên bản giao nhận thực phẩm. Hàng ngày, khi giao nhận thực phẩm đều có sự giám sát của nhân viên y tế, Ban thanh tra nhân dân, ban đại diện CMHS về số lượng và chất lượng.
- Sơ chế thực phẩm: Tiếp nhận thực phẩm xong phải tiến hành sơ chế và cho vào chế biến ngay. Thực phẩm được sơ chế trên bàn, tránh để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà. Thịt khi rửa xong để ráo mới đem vào thái miếng và xay nhỏ. Rau phải rửa kỹ từ 03 lần, nếu lượng rau nhiều phải chia nhỏ ra rửa làm nhiều đợt. Đối với các loại quả phải rửa sạch, gọt vỏ trước khi chế biến. Các loại thực phẩm được rửa vào các bồn rửa riêng được quy định cho từng loại. Tất cả thực phẩm đều phải rửa dưới vòi nước chảy.
Dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa sơ chế và thực phẩm đã sơ chế được dùng riêng biệt. Rổ, rá, xoong, chậu đựng thực phẩm luôn giữ sạch không được để dưới sàn nhà. Các dụng cụ như dao, thớt và các dụng cụ khác khi dùng xong được cọ rửa ngay và giữ gìn sạch sẽ. Thực phẩm sau khi sơ chế được chuyển vào khu vực chế biến.
- Thực hiện chế biến món ăn:
+ Đối với cơm: Gạo sau khi vo sạch, để ráo, bỏ vào khay, đo lượng nước vừa đủ, cho vào tủ, bật bếp và bấm thời gian vừa đủ cơm chín thì hãm nhỏ bếp.
+ Đối với thức ăn: Trong khi nấu nhân viên cấp dưỡng nấu đúng kỹ thuật tránh để mất lượng Vitamin có trong thực phẩm. Nhà trường chỉ sử dụng các gia vị để chế biến như: Bột canh, hạt nêm, nước mắm, đường kính, dầu ăn và các loại màu tự nhiên như: Gấc, cà chua, bột nghệ, lá dứa... không dùng mì chính và phụ gia thực phẩm nằm ngoài dạnh mục cho phép của Bộ Y tế.
- Chia và giao thức ăn:
Các dụng cụ đựng thức ăn chín trước khi chia được sấy khử trùng để trong tủ có lưới chống côn trùng. Tại khu vực chia thức ăn có tủ sấy đồ dùng dụng cụ, có cân chia, bàn inox, có tủ lưu mẫu thức ăn. Xoong, khay, thìa, dụng cụ phục vụ trẻ ăn được cho vào tủ tiệt trùng sấy khô trước khi phân chia theo lớp. Sau khi thức ăn được nấu chín nhân viên chuyển qua phòng chia ăn, nhân viên thực hiện phân chia thức ăn tại bàn chia ăn. Trước khi chia ăn cấp dưỡng lấy mẫu thức ăn để lưu, đối với thức ăn đặc lưu tối thiểu 100g, đối với thức ăn lỏng lưu từ 150-200ml, lưu mẫu thức ăn tối thiểu trong vòng 24 giờ, việc lưu và hủy mẫu thức ăn được thực hiện đúng quy định và cập nhật sổ lưu mẫu kịp thời. Sau khi lưu mẫu thức ăn cấp dưỡng tiến hành cân thức ăn định suất số trẻ từng lớp trong ngày và định lượng thức ăn cho từng nhóm lớp, ghi vào bảng chia ăn và tiến hành chia ăn đảm bảo chính xác đủ lượng thức ăn theo định mức.
+ Cơm chín tới, đem khay ra bàn, xới đều và chia theo định lượng/trẻ và sỹ số của từng lớp.
+ Đối với thức ăn: Sau khi nấu chín, theo bảng định lượng thức ăn và sỹ số của từng nhóm lớp để chia. Các món ăn sau khi chia đều có nắp đậy để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau đó được chuyển lên các nhóm lớp bằng xe đẩy thức ăn để giáo viên tổ chức bữa ăn cho trẻ.
- Tổ chức bữa ăn cho trẻ: Trước khi tổ chức cho trẻ ăn giáo viên vệ sinh phòng nhóm sạch sẽ, cho trẻ rửa tay lau mặt trước khi ăn. Trẻ cùng cô sắp xếp bàn ăn, trải khăn bàn ăn, chuẩn bị lọ hoa, khăn lau, giấy ăn, đĩa đựng cơm rơi. Trước khi tổ chức bữa ăn giáo viên rửa tay sạch, đeo khẩu trang, mang tạp dề, đầu tóc gọn gàng. Giáo viên chia thức ăn đều từng suất vào khay ăn cho trẻ. Giáo viên quan tâm lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe và kỹ năng tự phục vụ phù hợp với từng độ tuổi của trẻ như: Giới thiệu món ăn, các chất dinh dưỡng có trong món ăn, ích lợi của thức ăn để tạo hứng thú cho trẻ trong giờ ăn. Với những trẻ biếng ăn cô cho trẻ ngồi vào 01 bàn để tiện chăm sóc. Động viên trẻ ăn hết suất, giáo dục trẻ các hành vi văn minh trong giờ ăn: Ngồi ngay ngắn, khi ăn không nói chuyện, không cười đùa, xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi, nhai kỹ, không nhai nhồm nhoàm, ho hắt hơi biết quay ra ngoài…Giáo viên bao quát hoạt động của tất cả trẻ trong khi ăn, kịp thời phát hiện nguy cơ không an toàn đối với trẻ, không la mắng, dọa, đánh trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ sợ bữa ăn, ăn không ngon miệng dần dần dễ trở thành biếng ăn. Sau khi ăn xong, giáo viên hướng dẫn trẻ cùng cô thu dọn đồ dùng vào nơi quy định; hướng dẫn trẻ rửa tay, rửa mặt, uống nước, đánh răng (Đối với trẻ 4 và 5 tuổi), súc miệng sau khi ăn (Đối với trẻ 3 tuổi và nhà trẻ).
 
          * Trong những năm học qua nhà trường đã tổ chức và quản lý công tác bán trú một cách khoa học, chặt chẽ nên không có tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Trẻ thông minh, khỏe mạnh, tích cực tham gia vào các hoạt động vui chơi, học tập, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ. Phụ huynh tin tưởng và yên tâm tuyệt đối khi cho trẻ đến trường./.
 
 

Tác giả bài viết: Trường mầm non Diễn Liên

Nguồn tin: MN Diễn Liên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây